Thương Hiệu

Thương hiệu Apple đã thay đổi bao nhiêu đời cho hệ điều hành Mac OS X?

Có thể nói đã hơn 10 năm trôi qua kể từ ngày Apple giới thiệu phiên bản thử nghiệm đầu tiên của hệ điều hành Mac OS X, một trong những cứu cánh giúp Apple vượt qua thời kỳ khủng hoảng cũng như đánh dấu sự trở lại của Steve Jobs. Mac OS X đã hoàn toàn quay lưng lại với các hệ điều hành Mac OS cũ để tạo nên một hệ điều hành hoàn toàn mới tốt hơn. Sau đây

Có thể nói đã hơn 10 năm trôi qua kể từ ngày Apple giới thiệu phiên bản thử nghiệm đầu tiên của hệ điều hành Mac OS X, một trong những cứu cánh giúp Apple vượt qua thời kỳ khủng hoảng cũng như đánh dấu sự trở lại của Steve Jobs.

Mac OS X đã hoàn toàn quay lưng lại với các hệ điều hành Mac OS cũ để tạo nên một hệ điều hành hoàn toàn mới tốt hơn. Sau đây mình xin giới thiệu tới các bạn các bản Mac OS X đã được giới thiệu trong suốt 12 năm qua.

1. Mac OS X Public Beta Kodiak – “Gấu nâu”

Thật thú vị khi bản thử nghiệm đầu tiên của Mac OS X dành cho tất cả mọi người dùng lại không phải là một con vật họ mèo. Kodiak là bản beta của phiên bản chính thức Cheetah của Mac OS X. Kodiak được phát hành vào ngày 13/9/2000 với giá 29,95 USD. Phiên bản này đã có nhiều khác biệt quan trọng so với HĐH OS 9 trước đó, đáng kể nhất là giao diện Aqua, Dock (thanh tác vụ), và thanh menu, tất cả vẫn còn giữ lại cho máy Mac đến tận ngày hôm nay.

2. Mac OS X 10.0 Cheetah – “Báo Gêpa”

Phiên bản Mac OS X chính thức đầu tiên 10.0 với tên mã Cheetah được ra mắt vào 24/3/2001 với giá bán 129$. Cheetah đã giới thiệu một hệ thống thư viện lập trình hoàn toàn khác biệt với tất cả các hệ điều hành Mac OS 9 trở về trước. Cheetah cũng trình diễn nhân Darwin dựa trên nền Unux và hệ thống quản lý bộ nhớ mới.

3. Mac OS X 10.1 Puma – “Báo sư tử”

Bản cập nhật lớn thứ 2 của Mac OS X với tên gọi Puma được cung cấp miễn phí vào 25/10/2001. Puma 10.1 được đón nhận nhanh chóng hơn Cheetah rất nhiều dù cho đã có khá nhiều thông báo lỗi từ phía người dùng. Puma mang tới cho Cheetah khả năng chơi DVD, ghi đĩa CD dễ dàng hơn và công cụ Image Cupture.

4. Mac OS X 10.2 Jaguar – “Báo đốm Mỹ”

Jaguar có một bước nhảy vọt về độ ổn định và tốc độ, tuy nhiên vẫn bị nhiều chỉ trích cho rằng HĐH chưa đủ độ “chín” và khó sử dụng. Đây là phiên bản đầu tiên của Mac OS X được Apple dùng tên mã trong tiếp thị và quảng cáo, và các phiên bản về sau tiếp tục thông lệ này. Bổ sung đáng kể của Jaguar là Universal Access, chương trình trợ giúp người dùng khiếm thị, khiếm thính và người khuyết tật nói chung sử dụng máy Mac dễ dàng.

5. Mac OS X 10.3 Panther – “Báo đen”

Panther 10.3 được ra mắt vào 24/10/2003 là hệ điều hành Apple đầu tiên yêu cầu máy tính phải có New World ROM (tương đương BIOS trên PC), một tính năng mà các hệ thống Mac cũ không hề có. Panther mang lại cho Mac OS một giao diện Finder mới và 2 tính năng mà người dùng Mac vẫn tự hào: Exposé cùng Safari.

6. Mac OS X 10.4 Tiger – “Hổ”

Tiger là phiên bản cập nhật làm người dùng Mac OS chờ đợi lâu nhất khi mãi đến 29/4/2005 nó mới được ra mắt với giá 129,95$. Tiger mang một bước đột phá mới với tính năng tìm kiếm Spotlight, trình duyệt Safari mới hơn, hệ thống widget thông qua Dashboard, hệ thống theme hợp nhất và tăng cường việc hỗ trợ 64 bit trên các máy Mac chạy chip Power PC G5. Tiger cũng đồng thời bổ sung thêm chương trình từ điển và hỗ trợ thêm 1 số chip đồ họa tiên tiến.

7. Mac OS X 10.5 Leopard – “Báo Leopard”

Được phát hành vào ngày 26/10/2007, có phiên bản cho cả máy để bàn và máy chủ. Theo Apple, Leopard có hơn 300 thay đổi và nâng cấp so với bậc tiền nhiệm, Mac OS X Tiger, gồm phần lõi của HĐH cũng như các ứng dụng và các công cụ cho nhà phát triển. Leopard được làm mới đáng kể cho máy để bàn, thiết kế lại Dock, Stacks, một thanh menu nửa trong suốt, và Finder được cập nhật bằng việc kết hợp chặt chẽ giao tiếp điều hướng trực quan Cover Flow lần đầu tiên xuất hiện trên iTunes. Một tính năng đáng giá khác là Time Machine cho phép sao lưu tự động, hỗ trợ cho tìm kiếm Spotlight trên nhiều máy, và gồm cả Front Row và Photo Booth, là những tính năng mà trong các phiên bản trước chỉ có một vài model Mac hỗ trợ.

8. Mac OS X 10.6 Snow Leopard – “Báo tuyết”

Rất nhanh sau khi được giới thiệu vào 8/6/2009, báo tuyết Snow Leopard ra chính ra mắt thế giới vào 28/8 cùng năm. Snow Leopard được bán với giá khá hợp lý là 29$ cho 1 người dùng. Với mức giá này, doanh số Snow Leopard tốt hơn rất nhiều so với những đàn anh đi trước. Những thay đổi chủ yếu của Snow Leopard không nằm ở tính năng mà là ở hiệu năng của máy. Mac OS X cũng được viết lại 1 số thành phần nhằm tận dụng ưu điểm của phần cứng máy Mac mới. Một số framework lập trình mới như OpenCL cũng được tạo ra cho phép sử dụng chip đồ họa giúp cho phần mềm hoạt động mượt mà hơn. Snow Leopard cũng từ bỏ sự hỗ trợ dòng chip Power PC.

9. Mac OS X 10.7 Lion – “Sư tử”

Mac OS X Lion 10.7 sẽ được phát hành vào mùa Hè 2011. Một bản xem trước của Lion đã được công bố tại sự kiện “Back to the Mac” của Apple vào ngày 20/8/2010. Nhiều phát triển trong iOS đã được Apple đưa vào HĐH dành cho Mac, như hiển thị các ứng dụng đã cài theo cách dễ tìm, và bao gồm hỗ trợ Mac App Store, cũng đã được giới thiệu trong Mac OS X Snow Leopard 10.6.6. Vào ngày 24/2/2011, một bản xem trước của Lion cho các nhà phát triển đã được phát hành cho những ai đăng ký tham gia chương trình nhà phát triển của Apple.

10. Mac OS X 10.8 Mountain Lion-“Sư tử núi”

Sư tử núi được giới thiệu vào ngày 16/2/2012 và được chính thức phát hành trên App Store vào ngày 25/7 với giả chỉ 20$. HĐH này đã được Apple đưa lên nhiều tính năng có trên iOS 5, đánh dấu quá trình hợp nhất giữa iOS và Mac OS trong thời kỳ hậu-pc. Những tính năng này gồm có Game Center, hỗ trợ iMessage trong ứng dụng tin nhắn mới, cũng như sự xuất hiện của Remiders, giúp bạn tạo nhanh những việc cần làm. Cùng với đó là việc hỗ trợ lưu trữ tài liệu iWork trên iCloud. Cùng với đó là việc giới thiệu Notification Center, khá giống với Notification Center đã được giới thiệu trên iOS 5. Những thông báo giờ đây sẽ được hiển thị ở bên góc trên ban phải màn hình, click vào đó và Notification Center sẽ xuất hiện. Ngoài ra, 10.8 cũng có 1 số tính năng mới khác như tích hợp Facebook, hệ thống mail vip, Air Drop được cải tiến cũng như Safari được cải thiện.

11. Mac OS X 10.9 and more

Có thể nói họ nhà mèo đã lên ngôi trong Mac OS X từ năm 2001 khi được sử dụng để đặt tên cho các bản nâng cấp từ 10.0 đến 10.8 gồm Cheetah (Báo Gepa), Puma (Báo sư tử), Jaguar (Báo đốm), Panther (Báo đen), Tiger (Hổ), Leopard (Báo), Snow Leopard (Báo tuyết), Lion (Sư tử) và Mountain Lion (Sư tử núi).

Apple đã đăng ký hai thương hiệu nữa là Lynx và Cougar, tuy nhiên, Cougar là một tên gọi khác của Mountain Lion. Do đó, một số nguồn tin cho rằng phiên bản Mac OS X cuối cùng là 10.9 sẽ mang tên Lynx.

Hiện chưa rõ Apple sẽ gọi hệ điều hành tiếp sau đó là 10.10 hay chuyển sang thế hệ XI (11), hay hợp nhất Mac với iOS, nhưng nhiều người nhận định Apple sẽ chọn một loại vật khác để làm phong phú thương hiệu của mình.

Trang Mashable đã thực hiện một cuộc khảo sát thú vị và hơn 30% số người tham gia tin rằng Apple sẽ chọn họ nhà chim (đại bàng, chim ưng, diều hâu…) cho Mac OS XI, 23% nghĩ đó sẽ là tên các hành tinh (sao Hỏa, sao Kim, sao Mộc…), 11% dự đoán sau họ mèo sẽ là họ chó (chó sói, chó rừng…), 6% muốn hệ điều hành mang tên loài cá lớn (cá voi, cá tầm…). Tuy nhiên, cũng có gần 20% cho rằng, các thế hệ mới không cần có tên riêng, như iOS đơn giản được gọi là 5.1, 5.2…