Giới thiệu đặc sản bún bò Huế
Giới thiệu đặc sản bún bò Huế, 95, Thương Hiệu, Minh Thiện, Chuyên trang Thương Hiệu, 20/06/2016 09:47:12
Gọi bún bò Huế vì cái gốc của món ăn này ở tại Huế (cũng như phở Bắc hay hủ tiếu Nam Vang. Ngày xưa, muốn ăn bún bò thì ra Huế, ăn phở thì đi Bắc mà vào Nam để thưởng thức hủ tiếu. Đặc sản miền Trung hay xứ Huế thì có vô vàn thực phẩm nhưng chủ đạo vẫn là món bún bò.
Ở Huế, món ăn này được gọi đơn giản là "bún bò", trong khi ở các địa phương khác gọi là "bún bò Huế" để chỉ xuất xứ của món ăn.
Bún bò Huế có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, chả (thịt bò quết nhuyễn), tiết luộc cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng. Thành phần tuy đơn giản là thế nhưng dưới cách chế biến tài tình, tinh tế đến mức cầu kỳ của người Huế thì bún bò đã trở thành một thương hiệu riêng của đất cố đô, chính điều đó đã tạo cho món ăn sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Cũng như nhiều món ăn đặc trưng của Huế, cách chế biến bún bò rất cầu kỳ. Đầu tiên, được coi là “linh hồn” của món bún bò chính là nước lèo, nước được hầm từ xương bò với một vài loại củ, nước lèo ngon thì phải trong và khi nếm chỉ thấy vị ngọt của nước xương thịt hầm - đạt được hai yêu cầu đó đã là khó, lại thêm để cho thực khách gật gù với món ăn mình đang thưởng thức thì người nấu phải có một bí quyết nêm gia vị, mà cụ thể là nghệ thuật nêm mắm ruốc đúng liều lượng để tạo mùi thơm phảng phất và vị ngọt đậm đà cho món ăn.
Tinh dầu của sả có mùi thơm nồng, đủ mạnh để trung hòa mùi mắm ruốc và giúp cho mùi giò heo luộc vừa chín tới, mùi thịt bò trộn cùng mùi mắm ruốc, tiêu, hành, nước mắm trở nên dịu và ngạt ngào thơm. Tuy nhiên, không phải “một ngày như mọi ngày”, với một nồi bún Huế, người nấu phải ý tứ theo mùa. Mùa hè thì vị muối nhạt hơn, còn mùa đông Huế đặc biệt với mưa dầm dề, lạnh cắt thịt da, người nấu bún phải chú ý nêm vị đậm hơn, bên cạnh đó, mùi thơm của sả cũng làm ấm lòng thực khách dù ngoài trời mưa tầm tã.
Bún thì nơi nào cũng có chứ không riêng gì Huế. Thế nhưng, Con bún (sợi bún) Huế được người làm nhào, nặn, quết, vắt bằng tay nên có hình dạng to hơn bún Bắc và bún Nam. Bún ngon phải là bún được làm bằng bột gạo pha chút bột lọc với tỷ lệ vừa phải để cho con bún ướt, ngon và dai hơn.
Ngoài ra, phụ liệu không thể thiếu cho món ăn này là rau sống. Rau sống để ăn kèm với bún bò bao gồm hoa chuối thái mỏng ngâm nước có pha nước chanh để được trắng, rau muống cọng chẻ nhỏ, rau quế, tía tô, húng lủi, giá đỗ, chanh. Đặc biệt, khi ăn bún bò Huế, không thể thiếu chút ớt chưng cay nồng rất đậm chất Huế.
Cách làm món bún bò Huế cực chuẩn
Nguyên liệu làm món bún bò Huế
- Bắp bò: 600 g
- Nạm bò: 600 g
- Gân bò: 400 g
- Giò heo (nên chọn giò trước): 1 cái, khoảng 800 g
- Xương ống hoặc xương giá: 1 kg
- Mắm ruốc Huế: 3 muỗng canh
- Sả: 6 cây
- Gừng: 1 nhánh nhỏ (50 g)
- Hành tím, tỏi
- Bún, rau sống
- Chả Huế (tùy theo sở thích)
- Ớt, sa tế
Cách làm bún bò Huế
Bước 1
- Trước tiên sơ chế một số nguyên liệu, gừng, sả: Rửa thật sạch, dùng dao, chày đập dập.
- Giò heo đem lóc xương, lấy chỉ hoặc sợi lát cuộn phần bắp heo cuộn lại
- Tấm thịt nạm bò cũng cuộn tròn cho chắc tay rồi buộc chặt lại. Bắp bò cũng dùng dây bó cho chặt để khi nấu chín ít bị co lại).
Bước 2
- Bắc chảo lên bếp, cho nước vào đun sôi, chần sơ qua xương và bắp bò, nạm bò, gân bò, giò heo.
- Cắt phần gân bò thành từng miếng vừa ăn.
- Lấy 1/2 chén nước pha với 3 muỗng canh mắm ruốc Huế, dùng đũa quấy đều.
>> Xem thêm: MuaSamNhanh.com.vn - Mua Sắm Nhanh đặc sản
Bước 3: Ướp thịt
Ướp tất cả các loại thịt với 1 muỗng canh muối, 1 muỗng canh mắm ruốt (đã pha loãng), 1/2 muỗng canh bột ngọt, 2 muỗng canh đường, 2 muỗng canh hành tím băm, 2 muỗng canh tỏi băm, 2 muỗng canh sả băm.
Bước 4: Hầm thịt và xương
- Trước tiên hãy lấy 3 cây sả và 1/2 lượng gừng lót ở đáy nối áp suất, cho xương heo và thịt giò heo vào, đổ nước sao cho sâm sấp mặt thịt, đậy kín nắp lại và đun sôi (nghe tiếng reo) thì vặn lửa nhỏ, đun thêm 5 phút nữa là được. Sau khi đã được thì tắt bếp, đợi cho nước trong nồi hết reo thì mở nắp, vớt bắp giò heo ra một thau nước lạnh đã chuẩn bị sẵn để thịt không bị bở.
- Tiếp tục lót phần sả và gừng còn lại vào đáy nồi áp suất, cho nạm bò, gân bò và thịt bắp bò vào, đổ nước sâm sấp mặt thịt. Đậy kín nắp lại đun sôi lên, khi nước đã sôi thì hạ nhỏ lửa, đun thêm 20 phút nữa thì tắt bếp. Đợi nước trong nồi hết reo thì mở nắp, vớt bắp bò, nạm bò vào thau nước lạnh cho thịt được chắc.
- Phần gân khi vớt ra, nếu thấy đã mềm vừa ăn thì để riêng ra còn nếu bạn muốn gân mềm hơn thì cho vào nấu chung với nước dùng.
Lưu ý: Phải đun thịt bò và thịt heo riêng ra để tránh cho thịt heo bị nhừ vì bắp bò thường dai hơn nên thời gian đun lâu hơn.
Bước 5: Nấu nước dùng
- Đổ chung phần nước hầm xương và nước hầm thịt bò vào một chiếc nồi lớn, nếu thiếu nước có thể cho thêm nước lạnh cho đủ 5 lít nước.
- Đun sôi nước lên rồi nêm gia vị: 2 muỗng canh muối, 2 muỗng canh đường, 2 muỗng café bột ngọt, 3 muỗng canh nước mắm, chén mắm ruốt Huế đã pha loãng. Nếm thử và điều chỉnh lại sao cho vừa ăn.
- Cho dầu ăn vào phi thơm 1,5 muỗng canh sả băm, 1 muỗng canh tỏi băm, khi tỏi và sả đã săn lại thì cho 2-3 muỗng canh dầu màu điều và cho vào nước dùng để tạo màu.
- Nếu thích ăn cay thì trong công đoạn ướp thịt và giai đoạn cuối bạn có thể cho thêm ớt sa tế vào nồi nước dùng.
Bước 6: Trình bày bún bò
- Cắt nhuyễn một chút rau răm, hành, ngò và cắt hành tây thành lát mỏng
- Thịt cắt lát
- Chần bún qua nước sôi rồi cho vào tô, xếp thịt, gân, chả vào, rắc ít rau mùi lên trên rồi chan nước dùng vào. Dọn kèm rau muống chẻ, bắp chuối bào, giá, rau thơm, chanh ớt… và cùng gia đình thưởng thức món bún bò Huế thơm ngon.
Nguồn: https://muasamnhanh.com.vn/gioi-thieu-dac-san-bun-bo-hue-131.html
Giới thiệu đặc sản bún bò Huế, 95, Thương Hiệu, Minh Thiện, Chuyên trang Thương Hiệu, 20/06/2016 09:47:12