Đặc sản Bắc Kạn
Đặc sản Bắc Kạn, 75, Thương Hiệu, Bichvan, Chuyên trang Thương Hiệu, 14/03/2016 15:59:54
Thịt treo gác bếp
Khi con lợn được phanh ra, người ta cắt thành từng miếng nhỏ, dọc theo sườn. Bỏ thịt lên nia xát muối , bóp rượu, bóp nước vắt từ một loại lá trong rừng, rồi cho vào chảo ủ ba đến bốn ngày, sau đó rửa nước đun sôi để nguội, phơi ráo nước rồi treo trên gác bếp. Quá trình hun khoi thịt đòi hỏi phải liên tục, công phu và cả sự khéo léo cộng với vốn kinh nghiệm tích lũy lâu năm.
Lạp xưởng (sườn) hun khói
Lạp xường được làm bằng bàn tay của người Bắc Kạn có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mùi mắc mật thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng. Nhấp thêm chút rượu nữa thì càng thêm khoái khẩu.
Tôm chua Ba Bể
Tôm chua là món ăn ngon, có mặt ở nhiều nơi và nhiều vùng chế biến nhưng tôm chua ở Khang Ninh- Ba Bể có một hương vị rất riêng biệt của vùng miền núi Việt bắc. Du khách đến Bắc Kạn mà không được thưởng thức tôm chua Ba Bể thì thật sự đáng tiếc . Hiện nay cứ 5 ngày một phiên tôm chua được bày bán tại chợ Khang Ninh (trên đường du khách vào tham quan hồ Ba Bể) bởi lẽ nó không chỉ là món ăn quen thuộc của đồng bào miền núi nữa mà nó đã được nhiều du khách thập phương biết đến.
Khâu nhục
Món khâu nhục làm cầu kì nhưng ăn lại rất ngon nên nhân dân Bắc Kạn thường dành vào những dịp đặc biệt như lễ tết, cưới hỏi và vào nhà mới . Chỉ cần thử một chút bạn cũng đủ cảm nhận được hết hương vị của món đặc sản ngon Bắc Kạn này, vị béo ngậy của thịt, vị thơm của khoai dã hầm bở … tất cả đều kết tinh trong món ăn. Ngưòi Bắc Kạn rất tự hào vì ngoài đặc sản cơm lam, bánh gio, tôm chua… còn có thêm món khâu nhục và họ không bỏ qua cơ hội để giới thiệu đặc sản của quê hương mình với thực khách gần xa .
Cá nướng Ba Bể
Không gì khoái bằng ngồi bên bờ hồ Ba Bể, nhâm nhi đĩa cá nướng chấm tương ớt với vài chén rượu ngô. Vị cá thơm lừng, thịt cá bùi và dai. Rượu ngô cay cay nhưng vẫn có vị ngọt đâu đây nơi cuống lưỡi. Cùng ngắm cảnh hồ Ba Bể, thần tiên và thăng hoa hơn bất cứ mâm cao cỗ đầy nào khác.
Mèn mén
Mèn mén khi đã chín có vị thơm, dẻo, rất đậm đà. Ăn mèn mén bao giờ cũng kèm thêm một bát canh. Người Mông thường ăn món này với canh bí để tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn. Ngày nay, khi cuộc sống của người Mông đã đầy đủ hơn, món Mèn mén đã không còn là món ăn chính trong bữa ăn hàng ngày nhưng mỗi dịp lễ tết, hội hè… vẫn không thể thiếu món ăn truyền thống Mèn mén.
Bánh gio Bắc Kạn
Bánh gio đã có ở Bắc Kạn hàng trăm năm, làm bánh gio cầu kì đòi hỏi người làm phải khéo tay, tinh mắt . Muốn làm bánh được ngon ta phải bắt đầu từ khâu chọn loại cây đốt thành gio trắng mịn đem hoà với nước vôi có nồng độ thích hợp, quan trọng nhất là khâu thử độ đậm nhạt của nước gio trước khi ngâm gạo .Bánh gio ngon là phải mịn, dẻo, dai và có vị đậm đặc trưng, mát, lành và để được rất lâu .Trưa hè oi bức bóc chiếc bánh gio chấm mật mới cảm nhận được hết hương vị của đặc sản Bắc Kạn này.
Bánh Coóc Mò
Coóc mò cũng là một loại bánh được bà con các dân tộc Bắc Kạn hay làm. Mới nhìn qua nhiều người nhầm là bánh gio vì hình thức bánh coóc mò cũng giống như vậy . Bánh cũng được gói theo hình chóp nhưng lá gói bánh lại là lá chuối. Bánh coóc mò ăn có vị đậm và thơm bởi được làm từ gạo nếp nương và lạc nhân đỏ . Ăn không ngán vì dễ ăn và mùi vị hợp với nhiều người, bánh coóc mò rất hợp với những bữa điểm tâm buổi sáng.
Bánh Khẩu Thuy
Vào mỗi dịp lễ hội Lồng Tồng, thứ bánh ngon không thể thiếu để dâng lên trời đất, để cúng thần linh cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà là bánh Khẩu Thuy. Bánh tròn như quả trứng chim cút, vàng óng vì được tẩm mật mía, ăn vừa ngọt, vừa thơm, giòn tan nơi đầu lưỡi với hương vị mang bản sắc riêng của người Tày.
Bánh Pẻng phạ
Bánh pẻng phạ bên trong dẻo, do tác động nhiệt lớn bột bánh bên trong chưa kịp ngấu nhiệt lớp bên ngoài đã cứng giòn nên bánh giống như có nhân ăn rất thú vị.Bánh pẻng phạ chế biến không cầu kỳ nhưng mùi vị thơm ngon thích hợp với mọi lứa tuổi từ người già cả răng yếu cho tới tụi trẻ con ưa thích quà vặt, do vậy hầu như nhà nào cũng làm món bánh này trong những dịp ăn mừng. Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp.
Bánh ngãi
Mỗi dân tộc đều sáng tạo ra những loại bánh có hương vị khác nhau, có một loại bánh mà chỉ người Tày mới có đó là bánh ngải. Bánh ngải có màu xanh đặc trưng của thiên nhiên, hình thù và cách làm gần giống với bánh dày của người miền xuôi.
Xôi Đăm Đeng
Món xôi này rất độc đáo vì được nấu từ gạo nếp nương và tất cả màu sắc của xôi không tạo ra bằng phẩm màu mà bằng hương sắc của cây cỏ. Người ta lấy lá của cây cẩm và vài loại lá khác đun lên, chắt nước ra, ngâm gạo nếp vào khoảng vài giờ rồi mang đồ trên chõ gỗ. Nước ngâm gạo phải nóng già thì khi chín xôi mới có độ dẻo.
Nguồn: https://dacsanngon.com/dac-san-bac-kan-6.html
Đặc sản Bắc Kạn, 75, Thương Hiệu, Bichvan, Chuyên trang Thương Hiệu, 14/03/2016 15:59:54